Công nghệ đèn pha thích ứng giúp đảm bảo an toàn cho người lái xe

Đèn pha là một trong những bộ phận không thể thiếu trên các phương tiện như xe máy hay ô tô. Tuy nhiên, việc bật đèn pha không đúng cách trong đô thị vào buổi tối cũng đã dẫn đến nhiều trường hợp va chạm đáng tiếc. Chính vì vậy, công nghệ đèn pha thích ứng được coi là một trong những phát minh đảm bảo được tính an toàn cho người lái xe. Hiện nay, công nghệ này đang ngày càng được sử dụng phổ biến trên các mẫu xe thông thường. Vậy công nghệ đèn pha thích ứng là gì và chúng hoạt động ra sao? Hãy cùng chúng tôi khám phá chi tiết về chức năng của chúng qua bài viết sau đây.

Đèn pha thích ứng là gì?

Các cụm đèn pha tiêu chuẩn chỉ có thể giúp bạn quan sát thẳng về phía trước bất kể bạn đang đi thẳng hay quay đầu, chúng không thể bẻ cong luồng ánh sáng. Đó chính là một nhược điểm rất lớn khiến người lái xe luôn bất an.

Công nghệ đèn pha thích ứng hay còn gọi là hệ thống chiếu sáng phía trước thích ứng. Đây là một công nghệ đèn pha mới nhất hiện nay đang được các hãng xe coi như một tiêu chuẩn nâng cấp tính năng an toàn trên các dòng xe của mình.

Với việc được trang bị công nghệ đèn pha này, chiếc xe sẽ chủ động điều khiển luồng chiếu sáng hỗ trợ người lái trong mọi tình huống trên đường. Mục tiêu lớn nhất của công nghệ này là giúp người lái có thể quan sát tốt hơn tại hướng đang đi tới, đặc biệt là các hướng khuất tầm nhìn.

Đèn pha thích ứng là gì
Đèn pha thích ứng giúp người lái xe chủ động điều khiển ánh sáng hỗ trợ trong mọi tình huống

Một trong những tính năng khác rất hữu ích đó là nó giúp người và phương tiện tham gia giao thông đi ngược chiều sẽ không bị chùm tia sáng chiếu trực tiếp vào. Điều này rất quan trọng nhằm giảm thiểu các vụ tại nạn giữa các phương tiện với nhau.

Lịch sử hình thành của đèn pha thích ứng

Một số sử gia cho rằng cho rằng đèn pha thích ứng xuất hiện lần đầu trên chiếc Tucker 1948. Tucker vốn là một chiếc xe với nhiều công nghệ đột phá. Nhưng nó chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt vì công ty chủ quản phá sản còn rất sớm.

Tucker có hai đèn pha cố định và một đèn pha thứ ba ở giữa xoay theo hướng đang rẽ. Đèn pha được gọi là ‘mắt Cyclops’, dựa theo tên người khổng lồ 1 mắt trong thần thoại Hy Lạp. Trái với Tucker, một số ô tô đầu thế kỷ 20 có đèn pha thay đổi góc chiếu nhờ một liên kết cơ khí với vô lăng. Tới thế kỷ 21, đèn pha thích ứng lần đầu tiên xuất hiện trên các mẫu xe sang. Công nghệ này dần dần xuất hiện trên các thương hiệu giá rẻ hơn như Mazda, Hyundai, Toyota và Honda.

Những loại đèn pha thông dụng hiện nay

Theo định nghĩa chung, đèn pha thích ứng là loại đèn pha ô tô chủ động phản ứng với các điều kiện thay đổi trên đường xá. Nhiệm vụ của chúng là mang đến cho người lái xe tầm nhìn tốt hơn. Qua đó giúp lái xe có nhiều thời gian hơn để phản ứng với các tình huống khác nhau. Loại đèn pha thích ứng quen thuộc nhất tại Việt Nam là đèn pha thích ứng theo đường cong.

Những đèn pha này có bóng đèn xoay theo hướng di chuyển của xe, đôi khi là cả tốc độ. Các loại đèn thông minh khác như đèn pha chống chói (Automatic High Beam) cũng được gọi là đèn pha thích ứng. Khi có phương tiện giao thông phía trước, hệ thống đèn pha này tự động chuyển đổi giữa chùm sáng thấp và cao. Để tránh làm chói mắt những người lái xe khác, những đèn pha này sử dụng cách bố trí bóng đèn LED phức tạp.

Đèn pha thích ứng đường cong

Đèn pha thích ứng với đường cong có bóng đèn quay về hướng di chuyển của xe thay vì chiếu thắng về phía trước. Khi người lái xe quay vô lăng sang trái hoặc phải hoặc khi các cảm biến phát hiện thấy đường cong, đèn pha phía trước sẽ đổi hướng chiếu sáng theo vòng cua của con đường. Trên các mẫu xe cao cấp, đèn pha thích ứng theo đường cong có khả năng thay đổi góc của bóng đèn theo tốc độ của xe, cụ thể là chiếu gần hoặc xa hơn.

Loại đèn với đường cong này có các bóng đèn được gắn trên các trục chuyển động. Nhờ đó nó cho phép bóng đèn quay tròn. Khi người lái quay vô lăng hoặc các cảm biến xác định có khúc cua phía trước thì phần mềm và phần cứng sẽ điều chỉnh bóng đèn theo hướng phù hợp. Khi chiếc xe trở lại đường thẳng, các bóng đèn cũng trở về vị trí cũ.

Đèn pha thích ứng với đường cong
Đèn pha thích ứng với đường cong có bóng đèn quay về hướng di chuyển của xe

Đèn pha thích ứng khi vào cua

Khác với đèn pha thích ứng đường cong, đèn chiếu sáng khi vào cua được cố định ở đầu xe. Chúng tự động bật khi tài xế xoay vô-lăng hoặc kích hoạt xi nhan. Loại đèn này sẽ tắt khi người lái đưa vô lăng về trung tâm hoặc khi đèn xi nhan tắt. Tác dụng chính của loại đèn này vẫn là để chiếu sáng tạm thời hướng di chuyển của xe. Đèn chiếu sáng khi vào cua đã được sử dụng trong ô tô trong nhiều thập kỷ qua. Và nó vẫn được sử dụng trên một số mẫu xe mới ngày nay.

Đèn pha chống chói

Đèn pha chống chói hay đèn pha tự thay đổi góc chiếu là hệ thống đèn tự động thay đổi luồng sáng mà người lái không cần phải can thiệp. Không giống các loại đèn pha phải được kích hoạt bằng tay, loại đèn này được kích hoạt tự động. Một cảm biến trên xe có nhiệm vụ phát hiện đèn của các phương tiện gần đó như đèn đuôi của các phương tiện di chuyển cùng chiều hay đèn pha của xe đi ngược chiều. Để tránh làm chói mắt những người lái xe đó, cảm biến sẽ tự tắt đèn pha. Khi không có phương tiện khác trong khu vực, đèn pha sẽ được bật lại để cải thiện tầm nhìn.

Đèn pha thích ứng đa điểm

Đèn pha thích ứng đa điểm (ADB) là loại đèn pha thích ứng mới với công nghệ tiên tiến hơn. Cụm đèn ADB được tạo thành từ nhiều bóng đèn LED riêng lẻ. Do đó rất sáng thay vì các bóng đèn pha/cos riêng biệt. Khả năng kiểm soát chính xác độ sáng của từng đèn LED là điểm nổi trội của hệ thống ADB. Khi cảm biến phát hiện các phương tiện giao thông khác, phần mềm trên ô tô sẽ làm mờ các đèn LED chiếu lên các phương tiện đó.

Trái lại, các đèn LED không chiếu vào các xe khác vẫn giữ nguyên độ sáng. Mỗi đèn LED sẽ tự động điều chỉnh tùy theo vị trí của các phương tiện khác. Kết quả là có rất nhiều ánh sáng xung quanh những chiếc xe đó nhưng không có luồng sáng nào chiếu thẳng vào phía chúng.

Lựa chọn sử dụng xe có đèn pha thích ứng cần cân nhắc gì?

Đèn pha thích ứng đang xuất hiện trên các dòng ô tô phổ thông. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng cũng là trang bị tiêu chuẩn. Trong khi đó, lựa chọn một hệ thống hỗ trợ trong việc tránh các tình huống nguy hiểm có thể đáng giá hơn trong nhiều trường hợp.

Việc sửa chữa khi hỏng hóc sẽ tốn chi phí cao hơn thông thường
Việc sửa chữa loại đèn này khi hỏng hóc sẽ tốn chi phí cao hơn thông thường

Ngoài ra, loại đèn này còn đòi hỏi chi phí bảo dưỡng và thay thế cao. Nếu đèn pha bị lỗi, việc sửa chữa sẽ tốn kém hơn so với đèn pha thông thường. Điều này càng trở nên đắt đỏ hơn nếu đèn pha bị hỏng cảm biến. Bởi cảm biến vốn thường nằm ở cản trước hoặc sau kính chắn gió. Ngay cả những tai nạn nhỏ khi đỗ xe hoặc kính chắn gió bị nứt có thể khiến bộ phận này gặp trục trặc.

Nhiều nhà sản xuất trang bị loại đèn pha này với tên gọi khác nhau trên dòng xe của họ. Porsche, BMW, Audi, Mercedes-Benz và Genesis là một số tên tuổi đáng chú ý. Porsche gọi hệ thống này là Dynamic Light System, BMW đặt tên là Adaptive LED. Còn Audi đem đến hệ thống Matrix LED, Mercedes có Multibeam LED. Trong khi đó thương hiệu Genesis của Hyundai lại gọi là Adaptive Cornering System. Tuy nhiên, đa phần các dòng xe sang ở Việt Nam phải lên tới các bản tầm trung hoặc cao cấp mới có các option đèn pha thông minh kể trên.

Trong thời gian tới, sẽ có thêm các dòng xe bình dân với option đèn pha thông minh. Như vậy, khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận với công nghệ tiện lợi này hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *